Gần 30 m2 tầng 3 căn biệt thự mặt phố Hai Bà Trưng (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) được TP Hà Nội định giá bán năm 2019 là hơn 1,3 tỷ đồng.
7 hộ dân có hợp đồng thuê căn biệt thự trên với công ty quản lý nhà của thành phố. Theo quy định, những hộ có hợp đồng thuê, nếu có nhu cầu sẽ được xem xét bán và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Căn biệt thự nằm ở góc phố Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm đang được quây tôn để tu sửa. Ảnh: Giang Huy
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 1998 khi Thủ tướng ban hành Quyết định 189 cho phép được bán biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước tới trước năm 2007, thành phố đã bán 164 căn cho hộ dân theo Nghị định 61/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở, tập trung tại khu Đội Cấn, Trung Tự, Vĩnh Hồ.
Việc này bị gián đoạn năm 2007-2009 khi Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TP HCM lập đề án quản lý biệt thự. Đề án của Hà Nội được thông qua năm 2008 đưa ra danh mục 207 biệt thự không bán và 599 căn (sau bổ sung 1) bán dở dang.
Biệt thự không được bán nằm khu trung tâm chính trị Ba Đình; do thành phố quản lý đang cho các doanh nghiệp thuê sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh; đang là nhà công vụ; biệt thự cho cơ quan hành chính, sự nghiệp thuê làm trụ sở; biệt thự chưa bán có khuôn viên lớn hơn 500 m2; biệt thự có giá trị về kiến trúc cần tôn tạo, bảo vệ. Với số còn lại, thành phố ban hành danh mục biệt thự thuộc sở hữu nhà nước được bán theo Nghị định 61/1994.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, có 5.686 hộ ký hợp đồng thuê 600 biệt thự cũ thuộc diện bán (một căn có nhiều hộ dân sinh sống, có căn đến gần 20 hộ). Đến đầu tháng 4/2022, thành phố đã bán cho gần 5.000 hộ, hiện còn 713 hộ thuê những căn chưa bán (chưa công bố số căn đã bán và chưa bán).
Trong văn bản ngày 8/4, thành phố đề xuất tiếp tục bán những biệt thự cũ còn lại. Lãnh đạo Hà Nội cho rằng những hộ trước đây chưa mua có thể do khó khăn tài chính nên đề xuất tiếp tục bán những căn đang bán dở dang để người đang thuê có nhu cầu được mua và nhà nước thống nhất cách quản lý.
Bên trong căn biệt thự tại phố Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Chiểu
Đề cập đối tượng được mua biệt thự cũ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, người mua phải đang sử dụng ổn định, có hợp đồng thuê nhà biệt thự và phân phối nhà trước đây mới được xem xét. Chủ sở hữu hợp đồng thuê nhà có thể chuyển nhượng quyền thuê nhà cho người khác, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Về quy trình bán biệt thự, thành phố căn cứ theo Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở. Trước đó, việc bán biệt thự cũ thực hiện theo Nghị định 61/1994 và Nghị định 34/2013.
Cụ thể, nếu có nhu cầu mua, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang thuê biệt thự nộp hồ sơ theo mẫu, công ty quản lý nhà sẽ mời liên ngành định giá. Sau đó công ty trình Sở Xây dựng Hà Nội ký hợp đồng mua bán, người dân nộp tiền tại Sở Xây dựng. Cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giá bán biệt thự cũ thực hiện theo Nghị định 99/2015, dựa trên kết luận của hội đồng định giá nhà gồm đại diện các sở Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và Liên đoàn Lao động cấp tỉnh. Giá bán gồm tiền nhà (giá trị còn lại của nhà) và tiền đất (bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành). Một số trường hợp được miễn, giảm tiền nhà, đất.
Ngày 19/4 vừa qua, UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng việc bán biệt thự cũ để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền. Sau khi có kết quả rà soát, thành phố sẽ công bố thông tin, bao gồm cả vấn đề quản lý quỹ nhà biệt thự, các biện pháp quản lý, bảo tồn...
Nhóm biệt thự cũ trên phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội chủ yếu được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ và chủ yếu nằm trên các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Các biệt thự do nhiều công ty kinh doanh nhà quản lý và cho các hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng thuê nhà ở cũ (nhiều trường hợp được Nhà nước bố trí sử dụng, phân phối, cho thuê nhà ở từ sau năm 1954).
Cuối năm 2013, thành phố ban hành danh mục biệt thự thuộc đối tượng quản lý và sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội". Theo đó, có 1.253 biệt thự cũ được phân loại thành các nhóm 1, 2, 3 thuộc diện quản lý và 312 căn đã bị phá dỡ xây dựng lại hoặc bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng không thuộc đối tượng quản lý.
Võ HảiTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×