Ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong bị chê ít

23/04/2022 15:00
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tăng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong khi thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tăng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong khi thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà.

Chiều 21/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà.

Điểm mới trong dự thảo nghị quyết là đưa ra các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong. Cơ chế đó là ưu đãi cho nhà đầu tư về thủ tục hải quan, thuế, hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường, tái định cư cũng như tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, cho rằng hạ tầng Khu Kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ... bằng các cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược đưa ra tại dự thảo nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà còn quá ít. "Các chính sách ưu đãi cần mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư vào khu kinh tế này", ông Cường nhận xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong còn "quá hẹp, chưa có chính sách mới, đột phá".

Vì thế, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị bổ sung hai chính sách ưu đãi khi thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong. Một là, áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hai là, phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong bị chê ít

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu tại phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 21/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ nhận xét, việc khấu trừ chi phí về nghiên cứu phát triển cho nhà đầu tư chiến lược là chính sách đã được nhiều nước áp dụng. "Đây cũng là xu hướng mới, nên thí điểm ở khu kinh tế Vân Phong để rút kinh nghiệm", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất phân cấp mạnh hơn cho tỉnh Khánh Hoà được quyết định chủ trương đầu tư dự án vào khu kinh tế Vân Phong là cần thiết vì làm "tăng trách nhiệm của địa phương". Tuy nhiên, ông lưu ý dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy trình uỷ quyền chặt chẽ, cơ chế lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý, nguồn lực Nhà nước có hạn, nên cơ chế đặc thù đưa ra cần tạo sự chủ động cho Khánh Hoà phát triển, trong đó huy động nguồn lực thành phần kinh tế tư nhân.

Song ông Mẫn đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ, đủ mạnh, nhất là các chế tài xử lý nhà đầu tư trong trường hợp họ không thực hiện đúng cam kết đưa ra. Ông lo ngại, nhà đầu tư vào đăng ký "xí phần" đất, để đó không đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ, không đúng quy hoạch sẽ phá vỡ khu kinh tế. Do đó, cần chi tiết hơn các nghĩa vụ của họ để minh bạch và đủ căn cứ thực tế xử lý, thực hiện.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều ưu đãi đặc thù thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong chưa chạm tới mong muốn của các nhà đầu tư.

Vân Phong có các đặc điểm nổi trội là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics. Các nghiên cứu trước đây về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế này đưa ra nhiều đề xuất như miễn thị thực nhập cảnh, miễn giảm thuế... nhưng khi thảo luận, lấy ý kiến các bên liên quan thì thấy khá phức tạp, vướng mắc về pháp lý.

Với các đề nghị bổ sung ưu đãi cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói sẽ tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Còn theo Bí thư tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh, khu kinh tế Vân Phong được kỳ vọng rất lớn, nhưng thiết kế chính sách rất khó nên chưa có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Ông khẳng định nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.

Tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hai cơ chế ưu đãi mà Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị, để tạo thêm sức bật cho khu Kinh tế Vân Phong.

Dự thảo nghị quyết này sẽ bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ 1/8 năm nay và kéo dài trong 5 năm.

Anh MinhTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong bị chê ít - Tài Chính