“Sân khấu truyền thống - Điểm tựa lớn cho chúng tôi trong sáng tạo nghệ thuật” là hành trình gói gọn từ ngày 14-16/9 của Nhà văn - Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc phối hợp cùng Hội DN HVNCLC/ Trung tâm BSA thực hiện tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre. Đây chính là dịp hạnh ngộ ý nghĩa để giao lưu, chia sẻ góc nhìn giữa sáng tạo nghệ thuật và sân khấu truyền thống với giới mộ điệu; học sinh, sinh viên chuyên ngành Văn hoá học, Nghệ thuật, Ngữ văn, Du lịch; các CLB sân khấu - nghệ thuật, đờn ca tài tử địa phương và các doanh nhân, cán bộ văn hoá - du lịch.
Buổi giao lưu “Sân khấu truyền thống - Điểm tựa lớn cho chúng tôi trong sáng tạo nghệ thuật” tại KDL Vàm Xáng (Phong Điền, TP. Cần Thơ)
Nhà văn - Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu off - off Broadway tại New York với vai trò vừa là tác giả vừa là đạo diễn cũng là diễn viên trong hai vở diễn nổi tiếng “The missing woman - Người đàn bà thất lạc (2008)” và “We are… - Chúng tôi là… (2011)”. Cô được Liên hoan Film Quốc tế về người Việt (VIFF) chọn làm tâm điểm vào năm 2007 và là nhân vật sân khấu, gương mặt thân quen của các giải thưởng về văn học, sân khấu, điện ảnh trong và ngoài nước.
Nhà văn - Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
KDL Vàm Xáng (Phong Điền, TP. Cần Thơ) là một trong những địa điểm gặp gỡ thân mật của cô Minh Ngọc với các cán bộ văn hoá - du lịch, CLB đờn ca tài tử và các “cây văn nghệ” địa phương. Cô Minh Ngọc chậm rãi kể những chuyện nghề, chia sẻ về vở nhạc kịch “Tiên Nga” tâm đắc, vở nhận được nhiều lời khen và được đánh giá là một trong những vở kịch đáng xem của làng sân khấu kịch thành phố năm 2017.
Đan xen đó, thành viên CLB đờn ca tài tử Hương Quê và các “cây văn nghệ miệt vườn” luân phiên với hai câu vọng cổ ngẫu hứng về buổi giao lưu nhiều xúc động của anh Sáu hay tiếng lòng chị Kim Châu ngọt ngào cất lên, giọng mùi của chú Tám khiến ai nấy đều mê mẩn…
Đờn ca tài tử Nam bộ có lịch sử hơn 100 năm phát triển với nhiều thăng trầm nhưng vẫn như một dòng chảy khi êm đềm, khi dữ dội ăn sâu vào đời sống của người dân cũng như trở thành thứ đặc sản trứ danh làm giàu có thêm truyền thống văn hóa cho con người và vùng đất Chín Rồng. Vừa dịp, cô Minh Ngọc được bà con "chiêu đãi" những câu vọng cổ mượt mà, trong trẻo và hết sức mùi mẫn càng khiến người nghe cảm nhận rõ sự đam mê cháy bỏng của các tài tử miệt vườn nơi đây.
Dù phong trào tài tử địa phương có lúc sôi nổi, khi trầm lắng nhưng tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này luôn được nuôi dưỡng “như ngấm vào máu từ hồi nào hổng hay” - đó là lời chia sẻ dí dỏm của chị Hiền, một trong những thành viên góp mặt tại buổi giao lưu.
Với một người truyền lửa khơi gợi niềm đam mê, tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc - cô Minh Ngọc cũng bộc bạch rằng, sân khấu cải lương hay đờn ca tài tử đều có bước chuyển mình để thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng vẫn kiên cường gìn giữ bản sắc cố hữu của mình - không thể thay thế hay lụi tàn.
Cùng với lối dẫn dắt tự nhiên, trầm ấm, gần gũi nhưng cuốn hút, nhà báo Hoàng Tuyên cũng đã khéo léo khơi dậy niềm say mê văn nghệ cây nhà lá vườn và mạch xúc cảm thâm tình len lỏi sâu vào lòng người nghe. Là người thầm lặng sắp đặt mọi thứ từ nội dung chương trình đến lịch trình di chuyển, nhà báo Hoàng Tuyên tâm huyết "Mong sao những giá trị truyền thống tốt đẹp, quý báu được lưu giữ còn mãi mai sau".
Nhà báo Hoàng Tuyên sắp xếp nội dung chương trình.
Trong buổi tối giao lưu ấm cúng, khi được hỏi cơ duyên thực hiện chuyến lưu diễn ngắn ngày “Sân khấu truyền thống - Điểm tựa lớn cho chúng tôi trong sáng tạo nghệ thuật” trong khi lịch trình và dự án kín mít, Nhà văn - Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc xúc động: “Thật ra, cô cũng lớn tuổi rồi, không thực hiện cái mình muốn thì chờ đến bao giờ. Cô mong có chuyến thăm thú con người và bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền. Vừa thấy gần gũi, thân thương vừa để lại những dấu ấn riêng biệt vun bồi cho tâm hồn bởi chất giọng ngọt ngào, ngón đờn điệu nghệ thoát lên mùi mẫn hút hồn người nghe của bà con xứ này sao mà cô quên cho được”.
Trước khi kết thúc buổi giao lưu, cô Minh Ngọc hoá thân “độc diễn” vai đứa trẻ, người mẹ thời chiến, vai nàng bán hoa bị điên, nữ tướng một lòng tận trung… với nhiều tầng bậc cảm xúc, chuyển vai liên tục nhưng vẫn gây ấn tượng đậm nét trong lòng người xem bởi những giọt nước mắt lăn dài, đôi mắt khi long lên sòng sọc khi long lanh ngấn lệ…
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc hoá thân vào các vai diễn khác nhau
Hơn hết, người xem chứng kiến lửa nghề thắp lên sáng rực nơi đáy mắt cô Minh Ngọc như là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của một người khao khát giữ gìn tinh hoa bản sắc văn hoá truyền thống cũng như ươm mầm cho thế hệ trẻ kế thừa. Bởi có kế thừa, tiếp nối thì di sản văn hoá - giá trị truyền thống mới có thể tiếp tục phát triển rộng rãi trong đời sống nhân dân mà không bị mai một.
Chuông Mây