Với việc công bố dịch, địa phương sẽ có đủ căn cứ về pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như mua sắm sinh phẩm, khử khuẩn.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu cho người dân tại thị trấn Mường Lát - Ảnh: CDC
Ngày 11-8, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát của huyện vùng cao - biên giới Mường Lát sau khi địa phương này ghi nhận ba ca mắc bạch hầu.
Trước đó ngày 5-8, ngành y tế Thanh Hóa ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh chưa rõ nguồn lây. Đến nay, ổ dịch tại thị trấn Mường Lát đã ghi nhận ba ca mắc bạch hầu.
Trong đó hai ca bệnh mới phát sinh đều là F1 của bệnh nhân đầu tiên, đã được cách ly kịp thời. Có 34 trường hợp F1 của ba bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi tại nhà.
Tại sao phải công bố dịch bệnh bạch hầu ở nơi đây? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lương Tâm, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay việc công bố dịch truyền nhiễm hiện được thực hiện theo Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, trong đó có bệnh bạch hầu thì một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất.
"Như vậy tỉnh Thanh Hóa công bố dịch tại thị trấn Mường Lát đúng theo quy định hiện nay khi ca mắc trung bình ghi nhận vượt quá cùng kỳ của ba năm trước đó. Đây là công bố dịch ở địa bàn thị trấn, không phải trên toàn tỉnh.
Việc công bố dịch tại địa phương phụ thuộc từng tình huống cụ thể. Với việc công bố dịch, địa phương sẽ có đủ căn cứ về pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như mua sắm sinh phẩm, khử khuẩn… theo quy định của pháp luật", ông Tâm nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh bạch hầu - chia sẻ thêm ngành y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình dịch bệnh, ca bệnh. Việc có cần công bố dịch hay không sẽ phụ thuộc vào chính quyền địa phương.
"Nếu tình trạng dịch có thể kiểm soát bằng các biện pháp thông thường thì có thể không cần công bố dịch. Trong trường hợp cần phải công bố dịch mới được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì địa phương có thể công bố dịch. Điều này không quá liên quan đến việc ca mắc nhiều hay ít mà chỉ cần đáp ứng được các quy định của luật hiện hành.
Ngoài ra thông báo cụ thể về tình hình dịch cũng giúp lực lượng xác định mục tiêu phòng chống dịch, nâng cao ý thức của người dân", vị này nêu rõ.
Bốn dấu hiệu phát hiện sớm nhất bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số địa phương, làm cho bà con mình cảm thấy lo lắng. Bệnh bạch hầu có một số trường hợp biến chứng nặng, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể tử vong từ 5-10%. Các dấu hiệu phát hiện sớm bệnh:
Thứ nhất là bé bị sốt. Sốt nhẹ đến vừa phải dưới 380C và thường không sốt cao như trong các bệnh sốt xuất huyết hay cúm.
Thứ hai là bé kêu đau họng. Đau họng lần này khác với đau họng những lần bé bị bệnh trước đây. Bé đau nhiều lắm và kéo dài nhiều ngày, nhất là khi bé ăn, uống, bé cảm giác khó nuốt. Uống thuốc giảm đau nhiều lần mà bé không thấy bớt.
Thứ ba là bé xuất hiện mảng trắng ở họng khi bà con bất chợt nhìn thấy họng của bé khi bé khóc, bé ho. Mảng trắng trong chuyên môn gọi là giả mạc hay màng giả. Giả mạc màu trắng xám, dày và dính chặt vào niêm mạc của họng và amiđan. Đây là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu.
Thứ tư là cổ phình to do hạch cổ sưng, sờ vào rất đau. Cổ to khác thường nên còn gọi là cổ bò.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ kể trên, nên đến bác sĩ khám ngay. Bệnh bạch hầu cần phải được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm.
Sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện, chị P.L.M., 17 tuổi, dân tộc Dao - bệnh nhân đầu tiên ở Thanh Hóa mắc bệnh bạch hầu - vừa xuất viện, về đến nhà riêng ở khu phố Đoàn kết, thị trấn Mường Lát với sức khỏe ổn định.
-