Kiếm cớ cãi vã và những thói quen độc hại khi yêu

09/12/2022 11:21
Một số người gây chuyện với nửa kia để 'làm nóng' mối quan hệ, hoặc chỉ bóng gió chứ không nói rõ nhu cầu. Những hành động này là nguyên nhân khiến tình yêu dễ tan vỡ.

 

Nhiều bạn trẻ tin rằng tình yêu nào nồng nhiệt cũng phải bao gồm những trận cãi vã căng thẳng hoặc ghen tuông. Nếu thiếu các yếu tố này, mối quan hệ sẽ nhạt nhẽo, đôi bên không thực sự thấu hiểu nhau.

Các yếu tố trên nghe có vẻ bình thường, quen thuộc, song chúng lại ngấm ngầm khiến tình yêu của bạn trở nên độc hại. Dần dần, hai người sẽ chán ghét đối phương và đổ vỡ là kết quả khó tránh khỏi.

Dưới đây là một vài quan điểm từ The Every Girl về thói quen tồi tệ khi yêu đương và cách thay đổi chúng.

Kiếm cớ cãi vã và những thói quen độc hại khi yêu

Kiểm soát cảm xúc đối phương

Một số cá nhân dễ tức giận khi nửa kia không thấu hiểu cho ngày tồi tệ của mình. Họ oán trách, cho rằng người yêu thiếu quan tâm, trao đi quá ít tình cảm. Nhóm này muốn đối phương phải có những cung bậc cảm xúc đồng điệu hoặc giống hệt mình.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, kỳ vọng này khá vô nghĩa và khó nhằn. Thay vì giúp hai người ủng hộ lẫn nhau, nó chỉ khiến tình yêu trở thành sự ràng buộc nặng nề.

Cách khắc phục:

Bạn đừng cố khiến một trong hai người lệ thuộc vào nửa kia. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ nhẹ nhàng, chẳng hạn “Hôm nay anh/em đã rất mệt mỏi. Tụi mình trò chuyện một chút được không?”. Quan trọng hơn cả, hãy đặt câu hỏi và xem đối phương có sẵn sàng lắng nghe hay không.

Bên cạnh đó, luôn nhớ rằng bạn không thể đòi hỏi ai đó “chỉnh sửa” thái độ vì mình. Hãy chịu trách nhiệm với cảm xúc bản thân, cũng như hạn chế mong đợi, kỳ vọng người khác tạo ra hạnh phúc cho bạn.

Đặt nặng tính sòng phẳng

Rõ ràng, công bằng là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, không ít người lại muốn tính toán chi li từng chút. Ví dụ, khi chăm sóc nửa kia, họ đòi hỏi phải được “đền đáp” bằng một điều tương xứng.

Ngoài ra, họ sẵn sàng trả đũa nếu đối phương vô tình gây ra sự tổn thương nào đó. “Tình cảm của anh/cô ấy bỏ ra không nhiều như phần mình” hay “Người ấy đang nợ tôi” là suy nghĩ dễ gặp của nhóm này.

Nếu thường xuyên phải lăn tăn như thế, có lẽ bạn đang bị tính hơn thua làm cho lạc lối. Theo thời gian, tình yêu của cả hai lụi tàn, nhường chỗ cho cuộc chiến đo đếm thiệt hơn.

Cách khắc phục:

Thực tế, mối quan hệ lành mạnh không đòi hỏi nhiều về yếu tố sòng phẳng. Nếu hai bạn đang chung sống, nên dành thời gian xem xét lại bảng phân chia việc nhà. Đừng cố giữ tư duy “Hôm qua mình đã nấu ăn, giờ buộc tới lượt của anh/cô ấy”.

Thay vào đó, bạn có thể gợi ý nửa kia thực hiện một số việc thuộc sở trường của họ. Dẹp bỏ suy nghĩ mình là nạn nhân, phải chịu nhiều thiệt thòi sẽ giúp bạn thấy nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.

Ảo tưởng về "một nửa hoàn hảo"

Dưới tác động của phim ảnh, giới trẻ dễ ám ảnh với việc tìm kiếm tình yêu định mệnh. Họ thường mơ về mối quan hệ tuyệt vời, cũng như tin rằng mình không thể sống nếu thiếu đối phương.

Lúc này, họ chỉ tập trung vào “chúng ta” mà quên đi phát triển bản thân. Tâm lý này dễ dàng dẫn khiến họ rơi vào lo âu, mất kiểm soát hành vi và lệ thuộc.

Hơn nữa, nếu đối phương không đáp ứng kỳ vọng hoàn hảo, họ có xu hướng than thân trách phận hoặc mất niềm tin vào tình yêu. Vài cá nhân, dù nhận thấy đôi bên khó hòa hợp, vẫn ngại rời đi vì sợ không thay đổi được định mệnh.

Cách khắc phục:

Thay vì xem ai đó là cả thế giới, hãy chỉ trân trọng họ như một người giúp cuộc sống bạn thêm ý nghĩa. Đừng cố biến họ thành lý do chi phối mọi cảm xúc, hành động của mình. Quan trọng hơn, bạn nên tập trung vào bản thân. Tìm kiếm sở thích, thử những hoạt động mới lạ hay mở rộng vòng tròn xã hội là gợi ý không tồi để nâng cấp chính mình.

Kịch tính hóa mối quan hệ

Nhiều người thừa nhận không thể chịu được một tình yêu êm đềm. Ngược lại, họ liên tục tìm kiếm sự dữ dội, gay gắt.

Khi nhận thấy mối quan hệ quá bình yên, nhóm này sẵn sàng gây chuyện, bới móc quá khứ, công kích đối phương với mục đích tạo “gia vị” cho mối quan hệ.

Đây thường được đánh giá là một trong những thói quen độc hại nhất khi yêu. Thay vì hâm nóng tình cảm, bạn chỉ đang đẩy mọi thứ đến bờ vực đổ vỡ. Bên cạnh đó, chuyên gia tin rằng người luôn mưu cầu kịch tính, căng thẳng thường có lòng tự trọng thấp hoặc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Cách khắc phục:

Thông thường, các chuyên gia sẽ gợi ý các cặp tình nhân ngồi lại và cùng nhau liệt kê những vấn đề khiến họ bất an trong tình yêu. Sự cảm thông, thấu hiểu là chìa khóa đầu tiên cho thói quen xấu này. Trong trường hợp có trở ngại về tâm lý, bạn có thể tìm đến những tâm lý gia để được gỡ rối một cách chuyên nghiệp, hiệu quả nhất.

Luôn để lại gợi ý

Bạn mượn điện thoại của nửa kia, sau đó trả lại mà “quên” tắt hình ảnh về món đồ mình đang muốn mua.

Bạn nói bóng gió về những lời khen người cũ từng dành tặng, nhằm gợi ý đối phương khen ngợi, chăm chút cho bạn nhiều hơn.

Nếu thấy quen thuộc, bạn đã tạo lập một thói quen đáng ghét trong tình yêu. Những ẩn ý này thoạt nghe có vẻ tế nhị, song chúng dễ khiến nửa kia cảm thấy tội lỗi. Họ tin rằng mình tồn tại nhiều thiếu sót, hoặc đối xử chưa đủ tốt với người yêu.

Tệ hơn, họ sẽ nghĩ bạn là kẻ đòi hỏi, thiếu chân thật. Ngoài ra, bạn cũng tự mang về sự thất vọng nếu đối phương không hiểu hoặc đáp ứng yêu cầu.

Cách khắc phục:

Hãy thẳng thắn nói về cảm xúc, mong muốn của bản thân. Đừng kỳ vọng nửa kia sẽ tinh tế, thấu hiểu trong mọi trường hợp. Thực tế, họ không có nghĩa vụ phải phục tùng mọi nhu cầu của bạn. Đồng thời, hãy đánh giá cao nỗ lực của họ dành cho mối quan hệ, thay vì chỉ trích, giận dữ trong trường hợp bạn chưa được thỏa mãn.

Theo Nguồn baomoi.com

Kiếm cớ cãi vã và những thói quen độc hại khi yêu - Đời Sống