Khoa Hồi sức tích cực nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), ngày 24/12 cho biết gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp ho, sốt kéo dài. Khi nhập viện, người bệnh được phát hiện bệnh lao phổi, tình trạng nặng, suy hô hấp, hôn mê sâu và phải thở máy qua nội khí quản.
Trường hợp thứ nhất là ông P.V.K (67 tuổi, ở Hải Phòng) có tiền sử uống rượu nhiều năm. Cách vào viện 1 tuần, ông K. thường sốt về chiều, ho khạc đờm nhiều, khó thở. Dù vậy, ông chỉ ở nhà uống thuốc, thấy không đỡ nên đến viện cấp cứu.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao 39 độ C, huyết áp thấp 50/30 mmHg, thể trạng gầy, suy kiệt.
Qua các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn trên nền viêm phổi do lao phổi trên người bệnh suy kiệt, lạm dụng rượu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, ông K. vẫn phải thở máy qua ống nội khí quản, tỉnh táo hơn, huyết áp ổn định hơn (110/60 mmHg), dừng thuốc vận mạch, chuyển về tuyến dưới điều trị.
Sức khỏe bệnh nhân cải thiện sau 2 ngày điều trị. Ảnh: BVCC
Không may mắn như ông K., một nam bệnh nhân khác không qua khỏi dù cùng biểu hiện ho, sốt kéo dài. Người bệnh 70 tuổi, vào viện được chẩn đoán viêm phổi do lao phổi trên người bệnh đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Dù đã được điều trị tích cực nhưng do bệnh nặng, kèm nhiều bệnh lý nền nguy hiểm nên người bệnh tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Đặc biệt, với người cao tuổi mắc các bệnh lý nền, khi có biểu hiện ho, sốt kéo dài cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị sớm.
Sốt, ho kéo dài kèm theo đờm là những tín hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý phổi nguy hiểm như áp xe phổi, nấm phổi, lao phổi, thậm chí là ung thư phổi...
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đối với những bệnh truyền nhiễm như lao phổi có thể lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Hơn nữa bệnh diễn biến nặng không chỉ gây khó khăn cho điều trị mà còn có nguy cơ tử vong cao.