Đêm hội lan tỏa tinh thần trọng thương, triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can
Trong không gian ấm cúng của khán phòng diễn ra "Đêm thương hội", cùng với các bức tranh thư pháp với những câu triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can đã gây sự chú ý, thích thú và cảm nhận mới lạ cho các khách mời, doanh nhân và các golfer ngay khi bước chân vào sảnh tiệc của đêm hội.
Tiết mục múa mở đầu, tái hiện lại những năm đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện một danh nhân mang tên Lương Văn Can với tinh thần yêu nước sâu sắc, đã có công khai mở và cổ súy xã hội tham gia vào việc kinh doanh (mặc dù nghề buôn bán vốn bị triều đình phong kiến xem thường) với một tư tưởng mới đi trước thời đại, đã khiến không khí khán phòng đêm hội đang náo nhiệt bỗng lắng lại.
Trên sân khấu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của cụ Lương Văn Can được tái hiện qua tiết mục múa minh họa cùng những bức ảnh đã ngả màu theo thời gian, xen lẫn những bức đen trắng đã để lại trong lòng các folfer, khách tham dự và các doanh nhân sự bồi hồi cảm xúc nhớ về một thời kỳ lịch sử của đất nước, một thời gắn liền với thế hệ doanh nhân xưa. Càng hiểu rõ hơn về người thầy của giới doanh nhân -cụ Lương Văn Can-người đã có công khai phá và khởi đầu cho tư tưởng "trọng thương", kinh doanh đạo đức của người làm kinh doanh, các doanh nhân càng thêm niềm tôn kính, tự hào về Cụ.
Chia sẻ tại đêm thương hội, ông Trần Hoàng- Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn- Trưởng Ban tổ chức Giải Golf Lương Văn Can cho biết, những triết lý, đạo đức trong kinh doanh của cụ Lương Văn Can ngày xưa, được xem là di sản mà thế hệ doanh nhân ngày nay cần tiếp nối và phát huy. Tư tưởng của Cụ đã trở thành kim chỉ nam soi đường, mở lối cho doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều doanh nhân đã thấm nhuần tư tưởng của Cụ và đã kế thừa những giá trị nền tảng của Cụ để phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.
"Đó cũng là lý do, thông qua "Đêm thương hội" trao giải Golf Lương Văn Can, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa tư tưởng trọng thương, triết lý kinh doanh trung thực và trách nhiệm xã hội của Cụ đến rộng rãi hơn với các doanh nghiệp, doanh nhân", ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại đêm thương hội
Có mặt tại đêm hội, nhà sử học Dương Trung Quốc – Thành viên Hội đồng Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can dí dỏm hỏi khách tham dự: "Các bạn có thấy Tôi giống với hình ảnh cụ Lương Văn Can không?'". Câu hỏi vui nhưng đó là cách nhà sử học Dương Trung Quốc muốn gửi đến một thông điệp gần hơn, đó là: "Mặc dù thời gian, hoàn cảnh đất nước thời cụ Can với chúng ta bây giờ là khoảng cách rất xa, nhưng chúng ta vẫn thấy rất gần gũi, vẫn thấy tư tưởng của cụ Can ngày xưa và tư tưởng của chúng ta ngày nay còn có sự liên kết, rất gần và giống nhau".
Nhà sử học chia sẻ thêm: "Cụ Lương Văn Can là một nhà nho yêu nước, Cụ thôi làm quan và trở về với nghề giáo và mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là ngôi trường giảng dạy rất nhiều điều tiến bộ, mới mẻ, với nhiều tư tưởng duy tân cấp tiến.
Những năm sinh sống ở Cao Miên, chính thực tiễn ở một nơi xa quê hương của mình, Cụ nhận ra dòng chảy kinh tế, nhận ra cách vận hành thị trường, tất cả các tư tưởng duy tân mới mẻ đó đã thấm dần trong suy nghĩ của Cụ và đi vào thực tiễn. Sau khi trở về nước, Cụ đã vận dụng khai thác tư duy đó để kinh doanh".
Đúc kết tư tưởng và triết lý kinh doanh của mình, cụ Can đã viết hai tác tác phẩm Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn . Chỉ với hơn 200 trang giấy được viết cô đọng, Cụ đã truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa, trong đó có triết lý “thương đức” quan trọng nhất là “bình tâm công đạo". Hiểu đơn giản là công bằng, công chính, không thiên lệch. Liên tưởng đến lý thuyết hiện đại của chúng ta ngày nay, đó là tư tưởng cùng chia sẻ, là trách nhiệm xã hội", nhà sử học Dương Trung Quốc giải thích.
Theo nhà sử học, cụ Can cũng là người đã đưa khái niệm đạo “làm giàu”, đưa khái niệm Đạo của triết học, đời sống tâm linh vào trong kinh tế… "Đó là cách tiếp cận rất dân tộc. Làm thế nào để tôn vinh tinh thần dân tộc, ứng dụng vào trong thực tiễn, đó là cái "Tài" của cụ Lương Văn Can.
Tọa đàm “Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can là một di sản cần được tôn vinh và phát huy”
Cũng trong khuôn khổ "Đêm thương hội" đã diễn ra toạ đàm với chủ đề: “Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can là một di sản cần được tôn vinh và phát huy”.
Trả lời câu hỏi của ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn: "'Đến thời điểm này tư tưởng và triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can có lỗi thời với nhiều doanh nhân không?", TS Lý Tùng Hiếu-Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng : "Những gì cụ Lương Văn Can để lại bài học cho chúng ta, dù đã hơn một trăm năm qua nhưng chưa phải lỗi thời vì thực tế, tư tưởng của Cụ vẫn để lại những bài học quý.
Các diễn giả chia sẻ triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can tại đêm hội
Bài học thứ nhất là trách nhiệm xã hội. Đối với một số doanh nhân, cho đến bây giờ trách nhiệm xã hội vẫn còn là mới mẻ, huống hồ cụ Lương Văn Can cách đây cả trăm năm đã đề cập đến việc doanh nhân phải đền đáp cho xã hội.
Bài học thứ hai là thương mại công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia. Đây là một tư tưởng hết sức mới mẻ của Cụ.
Như vậy có thể thấy, triết lý và lời dạy của cụ Lương Văn Can về trách nhiệm xã hội trong kinh doanh thông qua nội hàm "Thương đức" đã có rất sớm trên thế giới và cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Với vai trò của một người trong ngành giáo dục, cùng trả lời câu hỏi của ông Trần Hoàng, ông Lê Thắng Lợi – Phó giám đốc Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: "Để thực hiện và làm theo tư tưởng của cụ Lương Văn Can, phải xuất phát từ việc giáo dục ra những người công dân tốt. Bởi người doanh nhân tốt, doanh nhân dân tộc đều xuất phát từ người công dân tốt mà thành. Chúng ta đã từng có một thế hệ doanh nhân tiếp nối tinh thần "trọng thương" của cụ Lương văn Can là Bạch Thái Bưởi và chú Hỏa...nhưng rất tiếc chúng ta đã mất đi thế hệ doanh nhân này, nhưng cái mất lớn hơn là tư tưởng "khinh người nghèo, ghét người giàu" của một số quan điểm thời trước. Tư tưởng này đã làm hạn chế sự phát triển kinh tế đất nước, hạn chế phát triển thế hệ doanh nhân.
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT cũng cho rằng, tư tưởng của cụ Lương Văn Can vô cùng gần gũi với thực tiễn hiện đại, thể hiện qua việc doanh nhân phải biết đoàn kết, phụng sự cho nhân dân và kinh doanh chân chính. Các golfer hôm nay đến đây không đơn thuần là tham gia một giải đấu thể thao, mà là đồng hành cùng Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, chung tay lan toả tinh thần của danh nhân Lương Văn Can đến cộng đồng doanh nhân.
Ông Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP.HCM cũng cho biết: "Thời gian qua, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng đã ươm tạo rất nhiều tài năng kinh doanh từ nguồn sinh viên trẻ của các trường đại học. Qua 10 mùa, Giải thưởng đã kết nối và hỗ trợ hơn 25.000 sinh viên cả nước, đây là một con số vô cùng ấn tượng. Tôi thay mặt các sinh viên đã trưởng thành từ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, cảm ơn sự đồng hành của ban tổ chức và đặc biệt là của hơn 216 golfer tham gia Giải Golf Lương Văn Can".
Chia sẻ về những định hướng hoạt động nhằm lan toả tư tưởng của cụ Lương Văn Can trong thời gian tới, ông Trần Hoàng cho biết, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sẽ triển khai nhiều hoạt động như: Kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân đặt tên phòng họp Lương Văn Can; Tặng cho nhau những bức tranh cách ngôn của cụ Lương Văn Can và chân dung cụ; Cùng TS. Lý Tùng Hiếu biên soạn và xuất bản các cuốn sách nói về tư tưởng và triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can phát hành đến doanh nhân và các trường đại học; Tập hợp thêm thông tin về cụ, phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn hồ sơ xin UNESCO vinh danh cụ...
Trao giải cho các golfer tham gia Giải Golf Lương Văn Can
Ông Trần Trọng Dũng- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và ông Trần Việt Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM trao giải cho golfer đoạt giải
Tại đêm thương hội, sau phần "Lễ và tọa đàm" là phần "Hội". Ban tổ chức cũng đã trao giải cho các golfer. Điều đặc biệt, thay vì trao những chiếc cúp như những giải golf khác, Giải Golf Lương Văn Can trao tượng của cụ Lương Văn Can như một sự kính trọng, tưởng nhớ về người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam, cùng với bức thư pháp với nhiều kích cỡ, mỗi bức có một câu cách ngôn, là lời dạy của Cụ về đạo kinh doanh.
Ông Trần Hoàng và Nhà sử học Dương Trung Quốc trao tượng cụ Lương Văn Van và bức thư pháp cho golfer đoạt giải
Ông Ngô Xuân Lộc - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (áo dài xanh) trao thư pháp cám ơn các nhà tài trợ
Ông Trần Mạnh Hùng- Chánh Văn phòng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (áo dài xanh) trao thư pháp cám ơn các nhà tài trợ
Ban tổ chức cũng đã trao giải cho golfer Mai Thanh Hoà - Thành viên Câu lạc bộ Golf 4.0, khi đã xuất sắc đạt được cú "Hole in One" tại hố 5D với khoảng cách 105 Yard- Một kỳ tích góp phần tạo dấu ấn đặc biệt cho Giải Golf Lương Văn Can năm nay.
Golfer Mai Thanh Hoà - Thành viên Câu lạc bộ Golf 4.0, (người thứ ba từ trái sang) đã xuất sắc đạt được cú "Hole in One"
Kết thúc đêm hội, ngoài những giá trị để lại về tinh thần qua những bài học, triết lý kinh doanh được lan tỏa thông qua buổi tọa đàm, những chia sẻ của các diễn giả và cách bày trí không gian đêm hội đậm chất "triết lý kinh doanh xưa" mà Ban tổ chức mang lại..., các golfer, khách mời...ra về trong tâm trạng rất vui cùng những phần quà bốc thăm may mắn và các phần quà tặng có giá trị từ Ban tổ chức.
Tất cả đều chung lời cảm ơn Ban tổ chức. Cảm ơn Giải Golf Lương Văn Can đã thành công tốt đẹp, đã mang lại cho họ nhiều giá trị và ý nghĩa khi dược tham gia giải golf và đêm hội.
Theo Doanh nhân Sài Gòn