Đây là một trong những nội dung của kế hoạch năm 2024 vừa được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội ban hành. Theo đó, năm 2024 Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành gần 3.500 đơn vị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đại diện các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội. Ảnh: BHXH TP Hà Nội.
Cụ thể theo Quyết định số 01 của bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, ở cấp thành phố, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành 200 đơn vị sử dụng lao động; thanh tra chuyên ngành 250 đơn vị sử dụng lao động; kiểm tra 100 đơn vị sử dụng lao động và kiểm tra hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn tại 20 đơn vị sử dụng lao động. Ngành cũng sẽ tiến hành kiểm tra tại 30 cơ sở khám, chữa bệnh; 15 tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả và kiểm tra nội bộ 15 BHXH quận, huyện, thị xã. Tại các quận, huyện, thị xã, BHXH thành phố giao cơ quan BHXH các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành 500 đơn vị; kiểm tra 1.980 đơn vị sử dụng lao động.
Cũng trong năm 2024, ngành BHXH sẽ thanh tra chuyên ngành 400 đơn vị tại 9 quận, huyện gồm: Ba Đình (50 đơn vị); Hoàn Kiếm (50 đơn vị); Tây Hồ (50 đơn vị); Long Biên (45 đơn vị); Cầu Giấy (50 đơn vị); Sóc Sơn (10 đơn vị); Nam Từ Liêm (50 đơn vị); Hà Đông (50 đơn vị) và Bắc Từ Liêm (45 đơn vị). Như vậy, tính chung, theo kế hoạch, trong năm, ngành BHXH sẽ thanh tra, kiểm tra gần 3.500 đơn vị về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT; kiểm tra đột xuất cơ sở khám, chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHYT.
Năm 2023, theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, ngành BHXH phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện hơn 4.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, qua đó, thu hồi về Quỹ BHXH hàng trăm tỷ đồng do chậm đóng, đóng thiếu thời gian, đóng không đủ số lao động đang làm việc; thu hồi về Quỹ BHYT hàng chục tỷ đồng do các cơ sở y tế chi sai quy định...
Liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT, đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết, năm 2024, thành phố có 4 tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, tuyến một là cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; tuyến 2 là cơ sở y tế tuyến thành phố và tương đương; tuyến 3 là cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và tương đương; tuyến 4 là cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn và tương đương.
Theo bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, về nguyên tắc, người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn và tuyến quận, huyện, thị xã, không phân biệt địa giới hành chính, song cần phù hợp nơi làm việc, cư trú, khả năng đáp ứng của cơ sở y tế. Tuy nhiên, để giảm tải cho y tế tuyến trên cũng như tiện lợi cho người dân không phải đi lại xa, liên ngành bảo hiểm, y tế thành phố ưu tiên, khuyến khích người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại xã phường, thị trấn. “Liên ngành không giới hạn số lượng người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở. Việc này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tuy nhiên tùy theo năng lực của cơ sở y tế” - bà Tám nhấn mạnh.
Cũng theo bà Tám, đối với các quận, huyện và địa bàn giáp ranh không có bệnh viện tuyến quận, huyện, người tham gia BHYT có bệnh mãn tính cần thường xuyên đi khám, chữa bệnh mà cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn không đáp ứng được, họ sẽ được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến thành phố trên địa bàn xã, phường đó. Với các cơ sở tuyến thành phố, tuyến Trung ương và tương đương, người tham gia bảo hiểm y tế được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến này khi thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở y tế khi các cơ sở y tế có số lượng thẻ chưa vượt quá quy định.