Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Nghị định 136 sẽ được sửa đổi theo hướng giảm bớt giấy tờ liên quan đến thủ tục phòng cháy chữa cháy.
Tại Đối thoại Cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) ngày 20/7, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, cho hay, riêng trong tháng 3 vừa qua, Hiệp hội nhận được 232 ý kiến từ các doanh nghiệp nêu về các khó khăn vướng mắc.
Trong đó, có 74% liên quan đến khó khăn vướng mắc đối với quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng, 14% khó khăn vướng mắc liên quan đến quy chuẩn 03 của Bộ Công An và 12% liên quan đến các vấn đề quy chuẩn 3890 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đại diện doanh nghiệp, ông Lê Hữu Lâm, Phụ trách công tác Phòng chống cháy nổ của Tập đoàn Vingroup, nêu vấn đề, tại Nghị định 136 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC chưa có quy định thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC cụ thể, rõ ràng đối với công trình cải tạo nhỏ lẻ, khiến mỗi địa phương đưa ra một yêu cầu khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của này, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thừa nhận, tại nghị định vẫn tồn tại những quy định chưa cụ thể, rõ ràng như đại diện doanh nghiệp nêu. Hiện, cơ quan chuyên môn đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung và dự kiến ban hành trong tháng 8 tới đây.
"Nghị định 136 sẽ được sửa đổi theo hướng giảm bớt giấy tờ liên quan đến thủ tục PCCC. Nếu trước đây, người dân và doanh nghiệp phải nộp rất nhiều hồ sơ PCCC có liên quan, thì nay những giấy tờ nào do cơ quan công an đã cấp thì không phải nộp lại. Thêm vào đó, sẽ tăng phân cấp cho cơ quan công an địa phương thẩm duyệt, nghiệm thu công trình", ông Tuấn Anh cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hàng Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, cho biết, theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như xe chữa cháy, tàu chữa cháy, nguồn lực chuyên ngành triển khai… ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển. Đó là còn chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng... Điều này sẽ làm tăng chi phí logistics qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Ông Hải kiến nghị bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp cảng thuộc cùng một khu vực cụm cảng được sử dụng chung phương tiện xe, tàu chữa cháy. Các phương tiện này sẽ do cơ quan nhà nước Cảng vụ, Công an phòng cháy chữa cháy tại từng khu vực cảng biển đảm nhận trang bị và thu phí nếu có sự cố xảy ra...
Giải đáp ý kiến của ông Hải, ông Tuấn Anh cho rằng, phải xác định rõ vấn đề cơ sở cảng biển hay bến cảng. Nếu là cảng biển có quy định ở Bộ Luật Hàng Hải.
Vì sao phải trang bị xe, tàu chữa cháy? Ông Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Luật PCCC, tất cả các cơ sở doanh nghiệp thuộc đối tượng đều phải trang bị, phải có đội PCCC chuyên ngành. Phải có phương tiện để tự cứu chữa nếu xảy ra sự cố cháy. Còn về quy định 2 hay 3 xe, sắp tới sẽ sửa để có quy chuẩn.
Liên quan đến vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp nêu trong quá trình thực hiện thủ tục PCCC, ông Tuấn Anh cho rằng, các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến công tác PCCC mà "phó mặc" hết cho các đơn vị tư vấn.
Các đơn vị này chỉ được cấp phép về tư vấn, thiết kế, giám sát thi công hệ thống PCCC, dẫn đến khi gặp vướng mắc liên quan đến tư vấn kết cấu, kiến trúc... thì đơn vị tư vấn không giải quyết được.
"Các hiệp hội doanh nghiệp cần khuyến cáo, hướng dẫn các chủ đầu tư cần trực tiếp thực hiện thủ tục PCCC để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh khi gặp vướng mắc khó khăn", Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Quy chuẩn PCCC
Liên quan tới vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy chuẩn PCCC QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, trong quá trình thực hiện quy chuẩn PCCC mới sự khó khăn của doanh nghiệp là rất lớn và cần được giải quyết trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông Long, khi người dân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, đọc kỹ các mục trong quy chuẩn. Khi người dân, doanh nghiệp tìm hiểm kỹ thì sẽ giảm bớt khó khăn, vướng mắc.Bộ Công an, Bộ Xây dựng luôn tìm hiểu thông tin mới nhất, quy chuẩn mới nhất trên thế giới để cập nhật. Các điều chỉnh theo hướng tốt hơn sẽ tốt hơn được cập nhật và áp dụng.
Hiện, Bộ Xây dựng đã rất cầu toàn, lắng nghe và đang có bản sửa đổi Quy chuẩn 06, Bộ sẽ có những buổi hội thảo toàn quốc để mời các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đóng góp ý kiến trước khi ban hành.
Về thời gian ban hành, theo thông lệ là khoảng 6 tháng với có hiệu lực nhưng trong các trường hợp khẩn cấp thì có hiệu lực trong 45 ngày để có lợi cho người dân, doanh nghiệp hơn.
Bình luận