Lần đầu, NSƯT Thoại Mỹ và nghệ sĩ Võ Minh Lâm hợp tác trong một vở diễn lớn - ẢNH: N.L. |
Thế nên việc sân khấu Đại Việt, sân khấu Sen Việt và Hội Sân khấu TP.HCM cùng “lai kinh” lần này là bất ngờ lớn. Đáng ngạc nhiên hơn là sự hội tụ của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, cả kịch nói và cải lương, như: NSND Thoại Miêu, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Trịnh Kim Chi, các nghệ sĩ Cát Tường, Quý Bình, Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Phương Cẩm Ngọc, Hoàng Quốc Thanh… Trong đó có những gương mặt đã lâu mới xuất hiện trở lại ở một kỳliên hoan.
Phải 10 năm rồi, từ Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại Đồng Nai, NSND Thoại Miêu và NSƯT Kim Tiểu Long mới lại “đi thi”. NSƯT Kim Tiểu Long cho biết sau thời gian bôn ba với các sô diễn trong và ngoài nước, anh nhớ sàn diễn chuyên nghiệp với các vai diễn dài hơi, không khí rộn ràng tập vở ở các kỳ liên hoan. Còn đạo diễn Nguyên Đạt đặc biệt mời NSND Thoại Miêu trở lại với mong muốn có thêm một bệ đỡ vững chắc cho lực lượng biểu diễn, cũng như tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của bà sẽ là tấm gương sáng cho các nghệ sĩ trẻ.
Tương tự, sự trở lại của NSƯT Thoại Mỹ trong một vai nặng ký ở một vở diễn chính sử cũng làm khán giả bất ngờ và mong đợi. Chính NSƯT Thoại Mỹ cũng cân nhắc nhiều: “Vai diễn rất hay, nhưng liệu mình có đủ sức khỏe để đảm đương? Tôi biết mình đã có tuổi rồi, cơ hội đảm nhận những vai diễn lớn như thế này không còn nhiều. Càng vui hơn khi được hợp tác với các diễn viên trẻ và gửi gắm kỳ vọng của mình cho các em. Lần này, còn được dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô, giới thiệu một vở cải lương đề tài lịch sử hay cho khán giả Hà Nội thì thật vinh dự”.
Vở chèo Trung trinh liệt nữ của Nhà hát Chèo Hà Nội khai mạc Liên hoan vào tối 25/9 - Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội |
“Trải qua một cơn đại dịch, sàn diễn bị đóng băng một thời gian dài, khi trở lại, người nghệ sĩ nào cũng khát khao được đứng trên sàn diễn, cũng thấy dồi dào sức sáng tạo, cũng ý thức phải nỗ lực nhiều hơn nữa để mang thêm nhiều tác phẩm hay đến công chúng. Lần hành quân ra Bắc này với tôi thật sự ý nghĩa” - nghệ sĩ Võ Minh Lâm chia sẻ.
Những điểm nhấn thú vị
Sân khấu Đại Việt chọn một tác phẩm đề tài lịch sử là Đêm trước ngày hoàng đạo (kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) đến Liên hoan Sân khấu Thủ đô vốn rất mạnh đề tài này. Với đội ngũ chế tác giỏi nghề cùng góc nhìn mới mẻ về các nhân vật quen thuộc của vụ án “Lệ Chi viên” nổi tiếng, vở diễn nhằm khẳng định năng lực và quyết tâm của một sân khấu luôn hướng đến cái mới. Đêm trước ngày hoàng đạo cũng ghi nhận sự trở lại của NSƯT Thoại Mỹ ở dạng vai độc - mùi sở trường sau nhiều năm, và đặc biệt lần đầu tiên, cả hai ngôi sao thuộc hai thế hệ là NSƯT Thoại Mỹ và nghệ sĩ Võ Minh Lâm chính thức hợp tác trong một tác phẩm lớn.
Lớp diễn “trầm hà” Tống Thị Quyên của nghệ sĩ Bình Tinh có kết hợp cả kỹ thuật xiếc - ẢNH: N.L. |
Với vở kịch Câu hát tìm nhau (kịch bản: Thu Phương, đạo diễn: Thái Kim Tùng), sân khấu Sen Việt mang đến một đề tài khá lạ: đời sống dân ca quan họ giữa lòng TP.HCM. Đạo diễn Thái Kim Tùng cho biết, vở thể hiện nỗi lòng những người con phương Bắc khắc khoải giữ gìn hồn quê qua những câu hát quê hương.
Các đơn vị của Hà Nội tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 gồm: Nhà hát Chèo Hà Nội (với vởTrung trinh liệt nữ), Nhà hát Kịch Hà Nội (Thúy Kiều một kiếp đoạn trường), Nhà hát Cải lương Hà Nội (Trời Nam), Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (Hà Nội - Thành phố của những giấc mơ), Nhà hát Cải lương Việt Nam (Bất tử với Thăng Long), Nhà hát Chèo Quân đội (Sóng dựng Lô giang), Nhà hát Kịch nói Quân đội (Mưa đỏ), Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hoa cúc nhà trời), sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc (Huyền tích chùa Một Cột), Chi hội Nghệ thuật biểu diễn Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội (Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên). Tiên phong cho các đơn vị của TP.HCM, vở cải lươngĐêm trước ngày hoàng đạocủa sân khấu Đại Việt sẽ ra quân vào tối 28/9 tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế). Tiếp đến là Hội Sân khấu TP.HCM với vở cải lươngÁn tìnhvào sáng 29/9 tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền). Vở kịch Câu hát tìm nhau của sân khấu Sen Việt dự thi vào tối 29/9 tại rạp Đại Nam. Ngoài ra, vở cải lươngVương quyền - Vụ án Tống Thị Quyênvới lực lượng nòng cốt là các nghệ sĩ TP.HCM sẽ thi diễn vào tối 30/9 tại rạp Đại Nam. Như vậy, các vở diễn đề tài lịch sử vẫn áp đảo ở Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần này. |
“Làm vở này, tôi biết thêm về các loại hình di sản đang tồn tại ở thành phố mình. Mấy tháng nay, diễn viên tập đến “lên bờ xuống ruộng”. Chúng tôi cũng mời các cô chú ở câu lạc bộ Quan họ đến huấn luyện, có diễn viên còn nhờ cả nghệ nhân ngoài Bắc vào tập hát cho mình. Tuy chủ trương hát với tinh thần “yêu quan họ” là chính, nhưng đây là vốn di sản quý giá của dân tộc, ít nhiều cũng phải ra chất…” - đạo diễn Thái Kim Tùng kể.
Còn vở cải lương Án tình (đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt) của Hội Sân khấu TP.HCM được cảm tác từ vở kịch Cõi tình nổi tiếng của Kịch 5B. Một tác phẩm vô cùng gọn nhẹ với chỉ ba nhân vật: anh thẩm phán, người vợ, bà quét rác, nhưng lại tầng tầng lớp lớp xung đột tâm lý dần vạch trần bản chất con người. Vở có sự kết hợp của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc khi đạo diễn Nguyên Đạt mời NSƯT Hoàng Tùng - gương mặt quen thuộc của Nhà hát Cải lương Việt Nam trước khi chuyển công tác về Cục Nghệ thuật biểu diễn vào năm 2020 - diễn cùng hai nghệ sĩ miền Nam là NSƯT Hải Yến và nghệ sĩNhư Huỳnh.
Sự kết hợp Nam - Bắc này còn đặc biệt hơn với vở cải lương Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt), khi là tác phẩm dự thi của Chi hội Nghệ thuật biểu diễn Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội, nhưng toàn bộ ê-kíp, ngoại trừ NSƯT Mỹ Vân, đều đến từ TP.HCM.
Vở diễn khai thác câu chuyện lịch sử vẫn còn khá xa lạ, là vụ án Tống Thị Quyên - Thái tử phi đầu tiên của triều Nguyễn - thông dâm cùng chính con ruột của mình. Từ vụ án chấn động triều Nguyễn này, vở diễn mở ra một bối cảnh rộng lớn hơn về “cuộc chiến vương quyền” cùng những tranh luận về quan điểm trị nước nên từ bạo quyền hay nhân trị?
Sau nhiều năm, NSƯT Thoại Mỹ trở lại dạng vai độc - mùi sở trường qua vai diễn Thần phi Nguyễn Thị Anh của vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo. |
“Tâm nguyện của tôi là đem đến một làn gió mới: Những con người phương Nam đem cải lương phương Nam với các nhân vật lịch sử phương Nam, ra hội ngộ cùng các loại hình sân khấu thủ đô. Qua vở diễn, chúng tôi cũng mong muốn đưa truyền thống, văn hóa phương nam đến với khán giả Hà Nội và miền Bắc, cũng là một cách tri ân những người đóng góp cho đất nước, đặc biệt là ở Nam bộ” - đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.
Không chỉ nội dung kịch tính, phần dàn dựng của vở còn kết hợp hiệu ứng điện ảnh khá ấn tượng. Đặc biệt, có sự kết hợp của kỹ thuật xiếc trong lớp diễn “trầm hà” Tống Thị Quyên. “Còn có những trải nghiệm mới cho chính nghệ sĩ và khán giả. Lần này, Thoại Miêu và Kim Tiểu Long không làm người hiền nữa, mà vào vai độc. Bình Tinh không đóng đào võ khoe vũ đạo nữa, mà làm đào văn chú trọng diễn nội tâm. Cùng những nhân tố mới như NSƯT Mỹ Vân từ Hà Nội sẽ hát giọng Nam, hay cậu bé 17 tuổi Trọng Nhân lần đầu tiên đứng trong một vở diễn lịch sử quy mô lớn…” - đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật hứa hẹn chinh phục khán giả thủ đô nói riêng, và khán giả cải lương nói chung…
Ninh Lộc