Anh Phạm Minh Biên (35 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long), đang làm việc cho một cơ quan nhà nước. Anh Biên bén duyên với nghề nuôi chim, gà độc, lạ từ năm 2015. Ban đầu anh chọn nuôi chim trĩ, vì loài chim này có thể vừa làm kiểng, vừa ăn thịt được.
Do nhu cầu thị trường, anh bắt đầu sưu tầm, mở rộng nuôi thêm gà kiểng, chim công. Trong đó, có giống gà “ngực khủng” Serama, gà sư tử Ba Lan...
Anh Biên đặc biệt bị hút hồn bởi giống gà sư tử Ba Lan, vì đây là loài gà lạ, đẹp mắt. “Năm 2019, tôi hai mua bộ (một bộ gồm 2 mái, 1 trống) gà sư tử Ba Lan đen đầu bạc và sư tử Ba Lan vàng để về nuôi nhân giống”, anh Biên nói và cho biết, đây là giống gà có mào, lông đẹp, nuôi làm cảnh.
Anh Biên - người có trang trại gà sư tử Ba Lan quý hiếm
Gà Ba Lan có rất nhiều màu, điểm đặc biệt là chùm lông trên đầu của chúng như một vương miện nhỏ, làm tôn vẻ đẹp kiêu kỳ.
“Gà sư tử Ba Lan vừa đẹp, vừa lạ, càng lai, sinh sản càng lâu thì màu của chúng đột biến, rất đẹp mắt. Do có tên gọi 'sư tử' nên giống gà này rất 'sung', hiếu chiến và bờm lông trên đầu giống như sư tử”, anh Biên chia sẻ. Giống gà này xuất xứ từ Ba Lan.
“Độ độc lạ, quý hiếm của giống gà này nằm ở hình dáng lạ và màu sắc đẹp. Trong trang trại của tôi hiện có các loại gà sư tử Ba Lan vàng, trắng, đen đầu bạc… ”, anh cho hay.
Anh Biên hiện có hàng chục con gà sư tử Ba Lan bố mẹ. Gà sư tử Ba Lan nuôi khoảng 8 tháng thì bắt đầu đẻ trứng. Mỗi năm gà mái đẻ khoảng 100 trứng, trong đó tỷ lệ nở con khoảng 80%.
Ông chủ trang trại này chia sẻ, nuôi gà sư tử Ba Lan cũng giống như các giống gà khác phải đảm bảo các khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, chọn giống… trong đó, chú ý tiêm vắc xin, bổ sung rau trong phần ăn cho gà.
Gà sư tử Ba Lan màu vàng
Gà sư tử Ba Lan đen đầu bạc