Ảnh minh họa.
Theo Reuters, sau nhiều tháng đàm phán và 2 cuộc họp khẩn cấp cấp bộ trưởng về đề xuất áp mức giá trần khí đốt, các quốc gia EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận và còn đang mâu thuẫn về việc liệu biện pháp này có thể làm giảm bớt hay trên thực tế sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Trong hôm nay, 19/12, các Bộ trưởng Năng lượng của EU sẽ nhóm họp để thông qua biện pháp này.
Cộng hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã soạn thảo một văn bản thỏa thuận mới nhằm cố gắng phá vỡ thế bế tắc trong cuộc họp ngày 19/12.
Theo dự thảo văn bản, EU đề xuất kích hoạt mức trần nếu giá trong hợp đồng tháng trước của trung tâm khí đốt Hà Lan của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF), đóng vai trò là giá chuẩn cho giao dịch khí đốt châu Âu, vượt quá mức 188 euro mỗi megawatt giờ trong ba ngày.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức giá trần 275 euro/megawatt giờ (MWh) mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hồi tháng 11 vừa qua.
Một số quốc gia EU ủng hộ việc áp giá trần, trong đó có Bỉ, Ba Lan và Tây Ban Nha, đã bác bỏ đề xuất này của EC, với lý do mức giá này là quá cao.
Theo các nước này, mức trần cần phải dưới 200 euro nếu muốn giải quyết vấn đề giá xăng cao đã đẩy hóa đơn của người tiêu dùng lên cao thời gian qua.
Trong khi đó, các quốc gia EU khác bao gồm Đức, Hà Lan và Áo – những thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu – phản đối mức giá trần này, cho rằng đây là mối đe dọa đến nguồn cung, có thể làm gián đoạn hoạt động của thị trường năng lượng châu Âu và có nguy cơ khiến hoạt động giao hàng bị chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường nơi giá không bị giới hạn.