Dịp tháng 9 hàng năm là thời điểm người trồng đào tại Nhật Tân đang tất bật cho vụ tết nhưng năm nay mọi chuyện lại khác.
Thay vì cảnh mướt mắt với một màu xanh trải dài của những cây đào đang vào vụ, cảnh tượng vườn đào Nhật Tân tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội hiện tại khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.
Phủ kín cả một khu đất rộng mênh mông là màu đục trắng của bùn đất với hình ảnh hàng vạn gốc đào đang chết dần sau nhiều ngày chìm trong nước lũ. Đáng chú ý, trong số đó có rất nhiều gốc đào cổ thụ lên đến hàng chục năm tuổi.
Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là vào vụ thu hoạch, thế nhưng sau trận lũ lịch sử hàng ngàn gốc đào Nhật Tân bị ngập nước, chết trắng
Ông Nguyễn Văn Công, người trồng đào tại Phú Thượng cho hay: “Suốt hàng chục năm trồng đào chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến trận lũ lớn thế này. Nước lũ lên quá nhanh khiến người dân chúng tôi không kịp trở tay. Giờ đây, lũ rút nhìn vườn đào cả hàng ngàn gốc chết khô mà tôi rụng rời chân tay".
Theo ông Công, người trồng đào Nhật Tân thường chia ra 2 loại là đào cành và đào cổ thụ. Đến mùa thu hoạch, đào cành có giá bán sỉ tính trung bình khoảng 1 triệu đồng/1 cành. Còn với đào gốc cổ thụ thì vô giá, có những gốc đào có giá lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng/gốc.
Hiện làng trồng đào Nhật Tân có đến hàng trăm ngàn gốc đào nên con số thiệt hại là rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài cây đào cành có tuổi đời khoảng 1 năm tuổi thì rất nhiều cây đào cổ thụ có tuổi đời đến hàng chục năm tuổi và giá trị lên đến hàng chục, hàng trăm triệu cũng bị ngập nước và chết trắng gây ra thiệt hại rất lớn với người dân trồng đào.
Cũng theo bà Võ Thị Hương người dân trồng đào lâu năm tại đây cho biết: “Trận lũ lớn tràn về và vườn đào Nhật Tân chỉ ngập khoảng 3 ngày nhưng sau khi lũ rút đã cuốn đi vốn liếng, công sức của hàng chục gia đình trồng đào tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.
Đào cổ thụ thì trồng, nâng niu, chăm sóc cả hàng chục năm, còn cây đào cành thì cứ khoảng tháng 1 Âm lịch, sau Tết người dân chúng tôi đưa cây đào con từ vườn ươm cao khoảng 20 – 30cm ra trồng. Đến nay cây đào đã cao khoảng 1 mét và chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến chu kỳ tuốt lá để đào ra hoa và phục vụ tết.
Trồng đào vốn khá lớn nên không ít người dân phải vay ngân hàng, thế nhưng giờ đây khi đào sắp đến mùa thu hoạch không những không được thu số vốn mình bỏ ra mà còn mất trắng cả 1 năm làm lụng vất vả”.
Theo chia sẻ của một số người dân có thâm niên trồng đào Nhật Tân tại Phú Thượng cho hay, với tình cảnh hiện nay, năm nay không chỉ không có đào phục vụ tết cho người dân mà những người trồng đào Nhật Tân cũng mất tết.
Thậm chí, những hộ trồng đào này còn cho hay, để gầy dựng lại được vườn đào cổ thụ không thể tính được thời gian, còn với đào cành cũng phải mất khoảng 1 – 2 năm.
"Sau lũ đào giống, đào phôi rất khan hiếm, chưa kể hiện nay người dân trồng đào đã gần như cụt vốn. Vậy nên để khôi phục lại vườn đào như ngày xưa là việc hết sức khó khăn và cần rất nhiều thời gian", một người trồng đào Nhật Tân cho biết.
Hoàng Sơn