Những ngày giáp Tết thị trường thực phẩm lại sôi động, đặc biệt những sản vật từ núi rừng. Thịt lợn rừng là một trong những món đặc sắc đó.
Anh Trần Hữu Nguyễn ở Lâm Đồng có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn rừng theo cách "đặc biệt". Chia sẻ với Dân Việt tại khu chăn nuôi lợn rừng lai của mình, anh nông dân cho hay, lợn rừng lai khá khỏe mạnh, vì vậy người nuôi chúng cũng khá nhàn. Đối với lợn con, anh Nguyễn chỉ cho uống thuốc một lần, tiêm vắc-xin một mũi, không cần phải thêm bất cứ loại thuốc nào cho đến khi xuất bán.
Mỗi năm anh bán ra thị trường từ 100 đến 120 con lợn lai rừng thương phẩm. Ảnh: Báo Dân Việt.
Gia đình tôi bắt đầu nuôi lợn rừng lai từ năm 2020. Cũng chính từ đặc tính khỏe mạnh, ít bị bệnh của lợn rừng lai mà gia đình tôi đã chọn loại lợn này để nuôi.
Hiện nay, trong trang trại của tôi luôn có 10 lợn nái và một lợn đực giống. Với số lượng giống này, trang trại có thể tự cung tự cấp, chủ động được nguồn giống cũng như giống chuẩn", anh Nguyễn chia sẻ.
Anh nông dân 9X cho biết, lợn rừng lai nếu được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng thì mỗi năm chúng sinh sản đến 2 lần, mỗi lần sinh từ 8 – 12 con. Vì vậy, mỗi năm gia đình anh cung cấp ra thị trường từ 100-120 con lợn lai rừng.
Điều đáng nói để có thu nhập "khủng" như hiện tại anh Nguyễn đã tìm hiểu và tự phối trộn được thức ăn tổng hợp cho đàn lợn rừng lai trong trang trại của mình.
Anh nông dân chăn nuôi lợn rừng có thu nhập cao. Ảnh: Báo Dân Việt.
Để tối ưu hóa nguồn thu từ lợn rừng mỗi lần anh Nguyễn trộn khoảng một tấn thức ăn cho lợn rừng lai rồi ủ để cho ăn dần. Các loại nguyên liệu để trộn thức ăn cho lợn rừng lai có men vi sinh, mật rỉ đường, muối hột, bột cám ngô, đạm trùn quế và đặc biệt nhất bã bia (là sản phẩm tách ra sau khi lên men bia). Sau khi có các loại nguyên liệu trên, anh Nguyễn trộn đều với tỉ lệ đã tính toán trước.
Anh Nguyễn nuôi lợn rừng lai với loại cám “đặc biệt”, không phải ai cũng biết.
Nhấn mạnh về cách nuôi lợn rừng có "1-0-2" anh Nguyễn nói: "Để cám ủ thành công thì tôi phải phối trộn làm sao để cám không bị khô hoặc không bị ướt quá. Cách kiểm tra cám đạt chuẩn là tôi dùng tay nắm một nắm cám, nếu cám không bị rời ra hoặc không bị chảy nước là được. Sau đó, hỗn hợp cám được tôi đưa vào thùng phuy nhựa rồi đậy kín để vi sinh lên men làm chín thức ăn. Vào mùa đông, ủ cám sau 48 giờ là có thể cho lợn ăn, vào mùa hè thì thời gian ủ cám sẽ nhanh hơn, sau khoảng 24 giờ là tôi đã cho lợn ăn được".
"Bã bia có trong thành phần cám không chỉ thơm ngon mà còn bổ sung đạm, thành phần xơ trong bã bia lại rất dễ tiêu hóa, giúp kích thích vi sinh vật phân giải xơ có trong dạ dày vật nuôi. Điều này rất tốt cho vật nuôi khi kết hợp trộn với thức ăn thô xanh như cây chuối, cỏ", anh Nguyễn tiết lộ cách làm của mình.
Nhờ ham học hỏi và vận dụng cách nuôi lợn rừng đặc biệt trên, anh Nguyễn hiện đang bán lợn với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg lợn, chưa đến Tết đã hết hàng.
Đáng chú ý, trung bình, mỗi năm anh bán ra khoảng 120 con lợn, chủ yếu vào dịp cuối năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán. Thu nhập nhờ bán lợn rừng lai của anh Nguyễn mỗi năm khoảng 250 triệu đồng.
Nhờ đàn lợn rừng phát triển tốt anh Nguyễn nhẹ nhàng có thu nhập cao.
Nói về cách làm kinh tế của anh Nguyễn, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nhận xét, anh Nguyễn là một nông dân trẻ điển hình tại địa phương. Hiện nay, anh Nguyễn đang triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín mang lại hiệu quả cao, trong đó có nuôi lợn rừng lai, nuôi trùn quế, trồng chuối và cà phê.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đưa nhiều cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi cách làm của anh Nguyễn. Chàng trai trẻ 9X này cũng đã được huyện Đức Trọng tuyên dương "Gương sáng đời thường" năm 2023.
Những năm trở lại đây, lợn rừng là loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên, được con người thuần chủng và nuôi khá nhiều ở nước ta. Loại lợn này được biết đến là loài thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon và có hương vị của rừng núi. Kỹ thuật nuôi lợn rừng không khó, nhưng cần bỏ nhiều thời gian và công sức. Sau đây là một số kỹ thuật nuôi lợn rừng đúng cách, hiệu quả mang lại kinh tế cao cho người dân.
Tương tự anh Nguyễn, anh Trần Nam Giang ở Hà Tĩnh được nhiều người biết đến nhờ thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng bằng thảo dược, cây thuốc nam.
“Năm nào tôi cũng bán ra khoảng 200 con lợn thịt. Để đạt độ ngon, lợn phải nuôi được trên một năm mới cho xuất chuồng. Mỗi con nặng khoảng 40kg, mỗi kg lợn hơi bán ra thị trường từ 160.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Như vậy, hằng năm mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng về cho gia đình. Tôi rất hứng thú với công việc này”, anh Nam Giang nói với Thương hiệu & Sản phẩm.Mách bà con nông dân kỹ thuật nuôi lợn rừng hiệu quả cao
Cách làm chuồng nuôi lợn rừng
– Bà con có thể sử dụng nứa, tre, gỗ hoặc dây thép quây B40 để làm chuồng.
– Biết cách xây chuồng lợn rừng theo hướng Đông Nam hoặc hướng Nam. Không nên quay theo hướng Bắc, sẽ bị gió mùa đông bắc thổi vào. Cần đảm bảo chuồng nuôi ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.
– Nên chọn vị trí cao ráo, tránh ngập úng đọng nước vào mùa mưa.
Cách làm máng ăn uống
– Về phần máng ăn uống cần thiết kế ở phía đầu chuồng, cũng là nơi thấp nhất trong chuồng. Mục đích giúp cho việc dọn dẹp dễ dàng, máng luôn ở trạng thái sạch sẽ.
– Độ cao máng ăn khoảng 15-20cm tùy theo độ cao đàn lợn. Chiều dài của máng trong khoảng 2,0 – 2,2m, độ rộng lòng máng 20-30cm. Nếu máng cố định thì cần xây cao hơn so với mặt đất 5-7cm để tiện cho việc vệ sinh.
Cách chọn thức ăn cho lợn rừng
Rau xanh cho lợn rừng: Thông thường thức ăn rau xanh cho lợn rừng khá đa dạng, có thể kể đến như thân cây ngô, cây chuối, các loại rau, đu đủ, quả su su,… Cùng với đó, bà con có thể sử dụng các loại cây thuốc nam để cho lợn rừng ăn giúp hạn chế bệnh tật. Các loại lá cây thuốc nam có thể kể đến như: Cây hoàng ngọc, cây cỏ voi, cây nhọ nồi, cây khổ sâm, cây phèn đen, …
Thức ăn khô cho lợn rừng: Thức ăn khô cho lợn rừng khá đa dạng. Thức ăn tinh bột gồm ngô, khoai sắn, cám gạo, …
Thức ăn bổ sung nguồn đạm bao gồm: Đậu các loại, giun quế, các loại cá khô.
Lưu ý: Thức ăn cần đảm bảo an toàn trước khi cho lợn ăn. Cụ thể như không bị ẩm mốc, không bị sâu mọt, không có mùi lạ hay không vón cục. Các thành phần thức ăn trước khi đươc phối trộn cần được nghiền nhỏ.
Trúc Chi (t/h)